Lặng Lẽ Bếp Xưa
Tuổi thơ tôi lớn lên từ lời ru của bà bên cánh võng, từ những giọt mồ hôi của mẹ nơi góc bếp đỏ than hồng. Lửa là phát hiện quan trọng đầu tiên của con người, chính vì thế, bếp lửa bắt đầu cho một đời người, và là cội nguồn hạnh phúc của mỗi gia đình.
Bếp xưa
Bếp lửa còn là hình ảnh của đoàn tụ, là nguồn cội của tình cảm, sự ấm êm trong lòng mỗi người dân đất Việt, nhất là những người con xa xứ nơi đất lạ quê người, mỗi khi nhớ nhà, nhớ quê thì hình ảnh người mẹ ngày xưa bên bếp lửa cùng người thân sẽ là nỗi nhớ, nỗi xúc động bồi hồi da diết nhất.
Bếp lửa còn là chút ơn phúc mà cuộc đời đã ban tặng cho mỗi mái nhà, cái ơn đời đó nông sâu, dày mỏng là do mỗi người, mỗi nhà có biết gìn giữ để ngọn lửa cháy mãi hay sẽ tàn lụi mau. Nói một cách nào đó thì giữ lửa chính là giữ gìn hạnh phúc cho mình vậy.
Riêng tôi, vẫn không bao giờ có thể quên được những đêm cuối năm khi gió lạnh tràn về, ngồi bên bếp lửa canh nồi bánh chưng, lắng nghe mẹ kể chuyện đời xưa… ngoài kia, tiếng gà đã gáy sang canh, lòng tôi càng thêm rạo rực, xôn xao, chờ đợi… một mùa xuân mới.
Thế rồi, cũng chính từ nơi góc bếp này mà tôi nghe được bố gọi mẹ hai tiếng "Mình ơi!" thật yêu thương, trìu mến. Ngày xưa còn bé nên tôi chưa hiểu hết được hai tiếng Mình ơi! Tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng nó thiết tha và thân thương đến dường nào…
Thú thật, ông bà, cha mẹ chúng ta ngày xưa là những người chân quê, quanh năm với ruộng vườn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời…những suy nghĩ của người xưa cũng nghèo nàn như sắn, như khoai, chưa bao giờ hình tượng về một cuộc sống vượt quá lũy tre làng, chẳng bao giờ có lấy một mơ ước cho riêng mình, cho dù rất nhỏ nhoi.
Thế nhưng, cái nhân, cái nghĩa ở đời thì các ngài luôn coi trọng, nhất là lời cam kết, lời nguyện ước trong cuộc hôn phối về sự thủy chung, cái đạo vợ chồng… ai yêu quý người bạn đời là yêu quý chính bản thân mình. Hai tiếng Mình ơi! Là một minh chứng, là dấu ấn tuyệt vời cho sự tin yêu giữa cuộc đời.
Bếp Xuân Nơi Miền Ký Ức
Thời trước, người ta chuẩn bị đón Tết với với tất cả sự chờ đợi, hy vọng xen lẫn một chút gì đó như nhớ như mong, chính vì vậy mà những ngày Tết trở thành thiêng liêng trong tâm thức mỗi người dân đất Việt, cái tình cảm ấy cứ theo ta mãi cho dù chúng ta đi đâu, ở đâu thì ngày Tết vẫn cứ mãi là nỗi nhớ trong ta da diết đến cháy dạ, cháy lòng.
Tết Nguyên Đán chính thức từ lúc Giao thừa với lễ Trừ tịch. Bàn thờ cúng Giao thừa được đặt trịnh trọng trước sân nhà với hoa quả và hương trầm nghi ngút của lòng thành kính. Về nguyên tắc là vậy, thực ra trong thâm tâm của mỗi người thì tết có lẽ bắt đầu từ 23 tháng chạp – ngày đưa ông Táo về trời.
Thiếp hỏi chàng ông gì chết mà không chôn
Đem gửi cây cao bóng mát, chuột với chồn không ăn?
Thưa rằng đó là cái bếp lò bằng đất nung, vốn rất quen thuộc trong tâm thức của mọi người, mọi nhà. Không đơn thuần chỉ là cái bếp lò, mà còn là nơi ngự trị của ông Táo, hay còn được gọi với cái tên Vua bếp, Thần bếp, Táo công, Táo quân… Theo dân gian, đó là người ghi chép mọi chuyện tốt, xấu trong một gia đình để rồi cứ đến cuối năm lại cưỡi cá chép bay về trời báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng Thiên đình.
Cũng từ sự tích ông Táo nên ca dao mới có câu rằng:
Thế gian một vợ một chồng
Nào như vua bếp hai ông một bà
Đời Người Đời Bếp
Người miền Bắc gọi bếp là "hỏa lò". Người Nam Bộ gọi là "cà ràng" và nó thân quen đến độ đi vào ca dao, nghe bông lơn vui đùa mà da diết:
Bếp cà ràng cào than dúm lửa
Nhắn chị hai mày hé cửa anh chun
Có những nơi, đôi khi chỉ cần ba cục gạch xếp theo thế chân kiềng là đã có một cái bếp lò, đã có ngay ba ông đầu rau… Thế nhưng, trong thời buổi hiện đại hôm nay hầu như chẳng còn ai dùng đến cái bếp "quê mùa" ấy nữa. Nó đã mất dần theo năm tháng và trở thành quá khứ ngay khi xuất hiện của cái "lò xô" (còn gọi là bếp dầu) được đun nấu bằng dầu Tây (dầu lửa), vừa sạch sẽ, vừa tiện lợi, có thể điều chỉnh ngọn lửa lớn nhỏ theo ý muốn và khó gây ra hỏa hoạn…
Đến bây giờ, lại là bếp Gas còn tiện dụng hơn nhiều, không sợ khói bám trần nhà, tường nhà luôn sạch sẽ với gạch dán trắng muốt… điều đó cũng chính đáng và hợp lý thôi.
Nhưng chắc chắn cái bếp gas đó không bao giờ có được một huyền thoại tuyệt vời như cái bếp lò “quê mùa” ngày xưa ở làng quê.
Đành rằng chúng ta không thể cứ ngồi tiếc nuối một cái bếp lò mất đi trong nhịp sống hối hả thời hiện đại, mà dù có nuối tiếc, có muốn níu kéo cũng chẳng được. Quy luật cuộc sống như giòng chảy một con sông, cuốn trôi đi tất cả những gì không còn phù hợp, và tiếp nhận những gì cho là phù hợp, tiện ích hơn.
Vẫn biết thế, nhưng làm sao tránh khỏi ngậm ngùi khi nghĩ đến cái giá trị tinh thần đã gắn liền với cái bếp lò qua từng thời kỳ, từng không gian của đời sống con người nay đã phai nhạt dần không còn nữa… Cái bếp lò đã đi vào quá khứ một cách âm thầm, lặng lẽ không thương tiếc cùng phong tục tập quán, cũng như trong ý nghĩ của mọi người.
Dĩ nhiên, chuyện bếp núc sạch sẽ đã chứng tỏ cái nết ăn, nết ở của người phụ nữ Việt ngày xưa. Cái nết ăn ở ấy rất quan trọng với người phụ nữ trong việc tề gia nội trợ của mỗi gia đình. Nhìn bếp thì biết nết đàn bà. Ngoài ra, cái bếp còn nhắc nhở sự đầm ấm, sung túc cũng như sự thủy chung, sắt son của tình nghĩa vợ chồng… Mỗi ngày trôi qua, chúng ta phải sống sao cho phải đạo, phải lẽ ở đời.
Mùa Xuân Bên Bếp Lửa
Khi những cây Đào già trở giấc cùng đất trời chyển mùa vào xuân, và những cây Mai đâm chồi nẩy lộc, cũng là lúc mọi người rộn ràng đón chào một mùa Xuân mới.
Những lo toan thường nhật tạm nhường chỗ cho niềm vui đón Tết. Những chiều cuối năm, bên bếp lửa reo vui như vẫn còn giữ được cái nếp sống văn hóa, phong tục truyền thống ngày xa xưa.
Từ cái góc bếp nhỏ này, với đôi bàn tay khéo léo pha trộn cùng những giọt mồ hôi của bà, của mẹ để chúng ta có được những món ăn ngon đặc trưng của hương vị ngày Tết như, bánh chưng, thịt đông, thịt kho tàu, dưa hành, củ kiệu, nem, ninh, giò chả… Và đủ mọi loại mứt cây nhà lá vườn, nào mứt bí, mứt me, mứt gừng, mứt dừa, mứt tầm ruột… Cũng tại góc bếp này, còn cả một kho lương thực, thực phẩm được dự trữ cho suốt mùa Tết
Bánh chưng là một món ăn mang hương vị ngày Tết không thể thiếu của người Việt Nam. Bánh chưng đã đi vào tâm hồn, tình cảm của người dân Việt trải qua bao đời nay. Vậy mà những nguyên liệu để làm ra một cái bánh chưng lại rất đơn giản và được phổ biến rộng rãi trong dân gian.
Chỉ với một ít nếp ngon, (nếp cái hoa vàng hay nếp ngỗng) ít đậu xanh loại tốt, thịt heo đùi hay ba rọi tươi ngon, ướp với gia vị như tiêu sọ, nước mắm ngon… Lá chuối hay lá dong để gói bánh, nhưng lá chuối lá dong phải được rửa sạch và lau khô thì bánh sẽ để được lâu… Một điều quan trọng nữa là cần khéo léo và kinh nghiệm trong việc gói bánh; để bánh vuông góc, đầy đặn, và đẹp. Bánh gói xong được cho vào nồi nấu từ 2 - 20 tiếng đồng hồ (tính từ lúc nước trong nồi sôi bùng lên) tuỳ theo lượng bánh nhiều ít và thể tích to nhỏ của từng cái bánh.
Người canh bếp phải luôn giữ lửa cho thật đều khi nấu chín thì bánh sẽ xốp, bùi, thơm, vàng ươm. Ngày nay, hầu hết mọi người đều gói bánh bằng khuôn gỗ và nấu bánh bằng bếp gas nên không còn phải canh nước, canh lửa như trước kia, và thời gian nấu bánh cũng chỉ khoảng 10 - 12 tiếng là nhiều (bánh chưng ngon nấu phải thật rền không bị bấy). Vì vậy mà cái thú trông bánh chưng chờ trời sáng đó hây hây những đôi má đào cũng không còn nữa. Thật tiếc lắm thay!
Khi ăn, bánh được bóc vỏ để lộ một lớp da xanh mượt, cắn vào miệng, miếng bánh mềm dẻo, quyện lẫn mùi thơm bùi bùi của đậu xanh, cộng với vị béo, thơm ngon của miếng thịt mềm rục từ da cho đến nạc vì đã được nấu nhừ. Bánh được ăn kèm với dưa hành, củ kiệu… Các vị ngon ngọt, mềm mại của bánh được bổ sung thêm vị chua ngọt của dưa kiệu, dưa hành, tạo nên một hương vị hấp dẫn, kích thích bao tử của người dùng.
Bánh chưng hiện nay không chỉ dành riêng cho ngày Tết, đám giỗ, lễ hội, mà nó còn đi vào đời sống chúng ta hàng ngày. Buổi sáng nếu bạn đã ngán các món điểm tâm khác, xin mời bạn một cái bánh chưng nóng; bảo đảm ngon miệng và chắc bụng cho đến trưa… Hoặc giả, một buổi tối nào đó, bạn đọc bài hay làm việc khuya… khi nghe lanh lảnh tiếng rao đường phố của người bán bánh giò, bánh chưng nơi đầu xóm, hãy ra và đón mua vài cái bánh thơm ngon, nóng ẩm ấy để thưởng thức hương vị quê ta.
Có vào "bếp xưa" mới ngộ ra nhiều điều, mới thấy hết chân dung của người phụ nữ phía sau làn khói bếp, bên vại cà, chum tương và một liễn mẻ, liễn mỡ cùng đủ thứ gia vị khô nào: hành, tỏi, thảo quả, vỏ quýt, hoa hồi… riêng có gừng, riềng, hành, sả là mua ở chợ phiên để dùng trong ngày.
Việc bếp núc quả thật nhọc nhằn và cũng lắm công phu. Nhưng từ nơi góc bếp tuềnh toàng đó cộng với những giọt mồ hôi âm thầm, đã cho đời những món ăn ngon, tuy giản dị, dân dã nhưng đủ cả âm dương ngũ hành. Với người Việt, bếp còn là nơi mà mọi người dễ gần gũi, chia sẻ với nhau nhất.
Trong xó bếp, người ta có thể chuyện trò một cách cởi mở và rôm rả mọi vấn đề. Chuyện nhà cửa, làng xóm, chuyện học hành, con cái và cả chuyện tình cảm riêng tư nữa. Đôi khi, người ta còn vay mượn cái góc bếp lặng lẽ, yên tĩnh ấy để bày tỏ những riêng tư thầm kín hoặc đơn giản là nơi kín đáo để những nàng dâu tha hồ khóc tức tưởi vì nỗi oan nào đó mà không biết bày tỏ cùng ai.
Ngày xưa, những chiều cuối năm, bếp nhà nào cũng chộn rộn và náo nhiệt. Nếu nơi phòng khách, người ta phải giữ lễ, phải khách sáo với nhau thì ngược lại, dưới gian bếp chật chội, mọi thứ cứ ồn ào như vỡ chợ, tiếng quát tháo, sai bảo, tiếng động dao động thớt leng keng, xen lẫn tiếng càu nhàu la mắng, và có cả những câu chuyện "bù khú" cùng tiếng cười rổn rảng như bắp rang, đúng là vui như Tết.
Bếp ngày xưa là như thế đó, nó chất chứa những vui buồn mưa nắng, những thăng trầm của đời người. Bếp còn là chứng nhân cho niềm hạnh phúc hay nỗi thống khổ và chứa đựng cả những giọt nước mắt tủi hờn, buồn bã trong những ngày giá rét quạnh hiu.
Bếp quê ngày xưa chẳng bao giờ là nơi hân hạnh đón khách ghé chơi. Vì căn bếp được dựng bởi thân gỗ vênh, gỗ xấu hoặc thân tre với mái lợp rạ, bếp xưa luôn mịt mù khói và tro than. Khi thì rực lửa rơm, khi thì nguội lạnh tro tàn, có lẽ mềm mại chỉ duy nhất một con cún, chú mèo cuộn tròn mắt lim dim tìm hơi ấm trong những ngày đông giá.
Gian bếp chật hẹp còn là nơi chứng kiến giọt mồ hôi âm thầm của những người đàn bà tần tảo lo cho gia đình có được bữa cơm ngon canh ngọt.
Có thể những người phụ nữ tảo tần, chân quê ngày xưa nay đã không còn, họ đã thành người thiên cổ nơi chốn vĩnh hằng, cả cái góc bếp nhỏ bé kia cũng đã trở thành quá khứ xa mờ. Thế nhưng, trong tâm thức của mỗi người, bếp xưa lại là một ký ức êm đềm. Trong cuộc sống vội vã, bộn bề những lo toan, có những điều tưởng như mộc mạc, giản dị, có những nỗi nhớ mênh mông vô cớ đôi khi lại làm lòng ta thanh thản, nhẹ nhàng.
Lặng Lẽ...Bếp Xưa
Bếp chính là nơi duy nhất còn lưu giữ chút tình cảm riêng tư của từng người trong gia đình, và gắn bó qua nhiều giai đoạn cuộc sống. Vì vậy, bếp là nỗi nhớ nhung, là nơi chốn đi về cho những người phải xa nhà, xa quê… Tiếc lắm thay! "bếp xưa" giờ chỉ còn chông chênh nơi miền ký ức, để chợt nghe bâng khuâng cái giọng cười khúc khích của cô bạn học ngày xa xưa mà tôi vẫn lén nhìn mỗi khi ghé nhà cô để nhìn cô vào bếp:
Ta sẽ về yêu lại nhánh sông xưa,
Yêu lại bóng hình người muôn năm cũ.
"Lặng lẽ bếp xưa" là chút hoài niệm về sự ấm áp tình người, tình quê mà chính nơi góc bếp quê mùa ấy đã cho ta những bữa ăn đầy yêu thương ngọt ngào, cũng nơi góc bếp nhỏ bé, khó nhọc ấy đã nuôi ta khôn lớn từng ngày. Đó là nhờ đôi bàn tay khéo léo pha lẫn những giọt mồ hôi của bà, của mẹ mà có được.
Nhắc lại "Bếp xưa" không phải để ngậm ngùi tiếc nuối, nhưng để thương cái tính hay lam hay làm của những phụ nữ chân quê, để nhớ bà nhớ mẹ bao năm tháng tảo tần, nhọc nhằn với khói tro cùng chút ánh sáng chập chờn lặng lẽ nơi góc bếp.
Đó còn là một góc trời riêng của cái phận đàn bà ngày xa xưa, một không gian rất mộc mạc, dung dị như chính thân phận người phụ nữ được vây quanh bởi những luỹ tre làng, cầu ao và cây đa bến nước… của một thời đã xa.
Nhận xét
Đăng nhận xét